Qua bộ sưu tập thời trang từ các vật liệu tái chế như: bao tải, nilon, áo mưa, giấy, chai nhựa… các em học sinh trường Tiểu học Lương Yên muốn truyền tải mạnh mẽ thông điệp về bảo vệ môi trường tới bạn bè, gia đình.
Vừa qua ngày 17/2/2023 Trường tiểu học Lương Yên (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã tổ chức chung khảo hội thi “Vũ điệu mùa xuân” và các em khối 1-2 thi thiết kế trang phục tái chế. Đây là một hoạt động nhằm hưởng ứng chương trình giáo dục môi trường cho học sinh của trường về giảm thiểu, phân loại và tái chế rác thải giá trị thấp.
Cô Nguyễn Thị Lan Anh – Hiệu trưởng nhà trường cho biết “đây là sự kiện có ý nghĩa giáo dục cho học sinh về sự bức thiết của việc bảo vệ môi trường ngay từ những hành động nhỏ nhất. Học sinh khối 1-2 mặc dù còn rất nhỏ nhưng các em cũng tham gia rất nhiệt tình ngay từ khi phát động hội thi. Với học sinh lớp 1 mặc dù là lần đầu được tham gia, nhưng các em tham gia hội thi đã đầu tư về mặt hình ảnh rất chỉn chu. Các bộ trang phục được Phụ huynh và các em học sinh thiết kế cách đây 1 tuần, song hành với việc học”.
Cô giáo Nguyễn Thị Lan Anh – Hiệu trưởng nhà trường phát biểu
Mỗi trang phục được thiết kế đều mang một ý nghĩa khác nhau. Và với bộ sưu tập “Sắc xuân” của lớp 1A1 thể hiện được mang hơi hướng của mùa xuân.
Cô giáo chủ nhiệm và các em lớp 1A1 trong bộ sưu tập “Sắc xuân”
Mở đầu với bộ trang phục lấy cảm hứng từ hoa đào miền Bắc. Các nhà thiết kế đã khéo léo biến những chiếc áo mưa cũ và nilong, tái chế thành một chiếc váy đuôi cá cực kỳ xinh xắn.
Và với chiếc áo vest dài tông hồng chủ đạo nhưng được điểm xuyết thêm trên vai và cổ áo một màu xanh tràn đầy sức sống của chồi non lộc biếc, ngoài ra còn phải nhấn mạnh đến sắc đỏ của những phong bao lì xì, một nét đẹp không thể thiếu trong văn hóa cổ truyền của người Việt Nam.
Nếu hoa đào là loài hoa biểu tượng cho Tết đến xuân về ở miền Bắc, thì chắc chắn miền Nam cũng không thể thiếu hoa mai. Và bộ trang phục thứ 2 trong bộ sưu tập “sắc xuân” được lấy cảm hứng từ hoa mai.
Chiếc váy được tận dụng áo mưa, sợi dây nilong cùng vỏ chai C2 bỏ đi để tạo ra một chiếc váy mà thực sự đi tới đâu ai cũng phải ngước nhìn bởi sự sáng tạo quá vượt bậc.
Song hành cùng chiếc váy C2 tuyệt đẹp là bộ áo dài mang đậm hơi thở mùa xuân với rất nhiều câu đối, khánh treo cùng cành mai gắn trên áo được tạo ra rất thủ công từ giấy bìa.
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh
Nói đến Tết là nói đến sắc hồng của hoa đào, sắc vàng của hoa mai và sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến màu xanh tươi tràn đầy sức sống của bánh chưng xanh. Bánh chưng xanh, một loại bánh không thể thiếu trong mâm cơm Tết cổ truyền người Việt và người đã khai sinh ra loại bánh này chính là Lang Liêu – Ông tổ văn hóa ẩm thực thời đại Hùng Vương.
Và bộ trang cuối trong bộ sưu tập mang âm hưởng của sự tích “Bánh chưng xanh”.
Với chất liệu chủ yếu là nilong kết hợp những bông hoa làm bằng giấy gói quà rất dễ kiếm và dễ tái chế, một chiếc váy cầu kỳ, tỉ mỉ tốn khá nhiều thời gian công sức của các nhà thiết kế.
Đây đều là các loại vật liệu được thải ra môi trường với số lượng rất lớn hiện nay. Việc tái sử dụng ni lông, bao tải, giấy báo chính là giải pháp hiệu quả để bảo vệ môi trường.